Giành lại Trường An Loạn_An_Sử

Chiến sự trong vùng Đại Yên quản lý

Bài chi tiết: Trương TuầnTrận Tuy Dương

Trước khi An Lộc Sơn chiếm được Trường An, quận Thường Sơn do Thái thú Nhan Cảo Khanh trấn giữ đã thất thủ. Cảo Khanh bị giết vì không hàng Yên.

Khi quân Yên tràn vào Trường An trong thế đắc thắng, An Lộc Sơn lệnh cho tướng Sử Tư Minh đẩy mạnh việc chinh phục Hà Bắc, Hà Nam. Trong lúc Đường Túc Tông còn đang tập hợp và củng cố lực lượng, chưa thể phản công quân Yên thì Sử Tư Minh được cởi vây từ Bác Lăng, ra sức nhổ nốt các thành trì còn trung thành với nhà Đường.

Sử Tư Minh đánh đâu thắng đó, tới bao vây Bình Nguyên. Tướng giữ Bình Nguyên là Nhan Chân Khanh sau nhiều ngày chống trả liệu thế không thể giữ được Bình Nguyên để chống đạo quân hùng mạnh của Tư Minh, bèn bỏ thành, men theo Giang Hoài – Kinh Tương tới Linh Vũ theo Đường Túc Tông. Túc Tông phong ông làm Thượng thư bộ Hình, Ngự sử đại phu.

Trương Tuần

Trương Tuần và Hứa Viễn cùng nhau thế thủ ở Tuy Dương, cầm cự trước sức tấn công của 10 vạn quân Yên dưới quyền Doãn Tử Kỳ. Dù quân Đường thắng nhiều trận nhưng do thành bị vây quá lâu nên dần dần suy kiệt. Trong thành Tuy Dương lúc đó có 6 vạn hộc lương nhưng trong tình trạng bị bao vây ngặt nghèo. Giữa lúc đó Quắc vương Lý Cự hạ lệnh điều 3 vạn hộc lương cho Bộc Dương và Tế Âm[41]. Hứa Viễn không đồng ý chuyển lương đi vì cần cho việc phòng thủ. Lý Cự không nghe, ép phải chuyển lương cho Tế Âm. Tướng giữ Tế Âm sau khi được 3 vạn hộc lương lại đầu hàng Doãn Tử Kỳ.

Doãn Tử Kỳ mang đại quân công phá Tuy Dương 3 lần. Trương Tuần cố thủ kiên cường trong thành, nhiều lần đẩy lui được các đợt tấn công của quân Yên. Nhưng sau đó trong thành hết lương. Nhân dân trong thành phải ăn cả vỏ cây, nhiều quân sĩ bị chết đói, chỉ còn lại vài trăm người ốm yếu. Trương Tuần phải giết cả ái thiếp để lấy thịt cho quân sĩ ăn[42], sau đó luân phiên tới ăn thịt người già, ăn thịt trẻ con; tất cả hơn 2 vạn dân trong thành bị giết làm lương cho quân sĩ[43].

Trương Tuần phái mãnh tướng Nam Tề Vân cảm tử phá vòng vây ra ngoài cầu viện. Nhưng Hứa Thúc đóng quân ở Tiêu quận[44], Thượng Hoành đóng quân ở Bành Thành[45], Hạ Lan Tiến Minh ở Lâm Hoài[46] đều không chịu ra quân cứu Tuy Dương.

Thành Tuy Dương sức cùng lực kiệt, đến tháng 10 năm 757 bị quân Yên hạ. Trương Tuần cùng Hứa Viễn và các tướng sĩ ốm yếu đều bị bắt sống, vì không quy phục nên bị quân Yên giết[43].

Tuy Dương tuy cuối cùng bị hạ nhưng đã cầm chân hàng chục vạn quân Yên, ngăn chặn không cho tiến xuống phía nam (Giang – Hoài), giữ được con đường cung ứng kinh tế của nhà Đường được thông suốt, tạo điều kiện cho đại quân Đường ở phía tây, phía bắc có thời gian củng cố để phản công[47]. Khi thành Tuy Dương bị quân Yên hạ thì cũng đúng lúc quân Đường phản công mạnh mẽ, giành lại hai kinh.

Quân Đường phản công

Chân dung Quách Tử Nghi

Qua một năm tập hợp và củng cố, quân Đường ở phương bắc mạnh lên nhiều[48]. Trong khi đó nội bộ quân Yên lại chia rẽ. Mãnh tướng Sử Tư Minh mang gần 10 vạn quân ly khai Yên không nghe lệnh An Khánh Tự. Nhân thời cơ đó, Đường Túc Tông hạ lệnh phản công để thu hồi hai kinh (Lạc Dương, Trường An).

Tháng 4 năm 757, theo đề nghị của Lý Tất, Túc Tông phong con là Lý Bảo làm nguyên soái, Quách Tử Nghi làm phó nguyên soái, lãnh trách nhiệm thu hồi hai kinh[48]. Đồng thời, Túc Tông theo đề nghị đã sai sứ giao hảo với Hồi Hột để mượn quân vì quân nước này dũng mãnh, có thể đối địch được với đội quân thiện chiến của Đại Yên. Túc Tông giao hẹn với Hồi Hột: "Sau khi đánh chiếm được thành, đất đai và dân chúng thuộc về nhà Đường, còn của cải vải vóc thuộc về các ông"[49]. Hồi Hột nhận lời giúp quân.

Tháng 5 năm 757, Quách Tử Nghi tiến từ Phong Tường về phía đông chuẩn bị đánh Trường An. Lúc đó quân Hồi Hột chưa đến. Đến Thanh Cừ thì quân Đường gặp quân Yên do Lý Quy Nhân, An Thủ Trung chỉ huy. Hai bên giữ nhau 7 ngày không giao chiến. Hai tướng Yên dùng mưu giả thua tháo lui. Quách Tử Nghi mắc mưu đuổi theo, hai tướng Yên dàn 9000 quân thành hình con rắn dài đón đánh. Tử Nghi đánh vào giữa, hai đầu "trường xà" kéo lại vây bọc, đánh quân Đường thua to. Tử Nghi phải lui quân về giữ Vũ Công.

Đường Túc Tông điều thêm quân tiếp viện cho Lý Bảo và Tử Nghi, trong đó có 4000 người Hồi Hột dưới quyền tướng Bộc Cố Hoài Ân. Sang tháng 9 năm đó, Tử Nghi có 15 vạn quân, lại tấn công Trường An lần thứ 2. Ngày 27 tháng 9, Tử Nghi kéo đến phía tây Trường An. An Thủ Trung và Lý Quy Nhân mang 10 vạn quân ra địch[50]. Quách Tử Nghi sai Lý Tự Nghiệp cầm tiền quân, tự mình đi trung quân, sai Vương Âu Lễ làm hậu quân. Lý Tự Nghiệp và Lý Quy Nhân giao tranh giằng co mấy trận không phân thắng bại.

An Thủ Trung điều một cánh quân sang phía đông đánh vây bọc quân Đường. Quách Tử Nghi phát hiện, bèn sai Bộc Cố Hoài Ân (người Thiết Lặc, Hồi Hột) dẫn 4000 quân Hồi Hột ra giao chiến, giết hơn nửa quân Yên. Cánh quân Yên đi tập kích bị đánh bại. Quách Tử Nghi lại sai Hoài Ân vòng ra phía sau đánh úp quân Yên, đồng thời thúc tiền quân và trung quân cùng lúc tấn công ồ ạt. Sau hơn nửa ngày giao chiến, quân Đường giết 6 vạn quân Yên[51]. Quân yên thua chạy vào thành Trường An. Lý Bảo chủ trương cho binh sĩ nghỉ ngơi nên dừng lại không truy kích. An Thủ Trung, Trương Thông Nho và Lý Quy Nhân hoảng sợ, nhân lúc đêm tối bỏ thành rút chạy.

Ba ngày sau, Lý Bảo và Quách Tử Nghi mới mang quân đuổi theo quân Yên. Nhưng quân Đường triển khai chậm nên quân Yên có thời gian chỉnh đốn lại. Vua Yên An Khánh Tự sai Nghiêm Trang mang quân từ Lạc Dương sang phía tây tiếp viện cho Trường An, gặp tàn quân Yên thua chạy về, tập hợp lại được 15 vạn người[51].

Ngày 15 tháng 10, Quách Tử Nghi đụng độ quân Yên ở Tân Điếm[52]. Quân yên dựa vào núi bày trận, Tử Nghi cho đại quân tấn công chính diện, còn Bộc Cố Hoài Ân mang quân Hồi Hột đánh úp phía sau. Thấy cánh quân chính diện yếu thế, Hoài Ân dẫn quân thần tốc tới Nam Sơn[53], đánh mạnh vào sườn quân Yên. Quân yên vốn sợ quân Hồi Hột, nên thấy quân Hồi Hột đến đều bỏ chạy. Quách Tử Nghi thừa cơ thúc 2 cánh quân chính diện tấn công ồ ạt. Quân yên thua to, Nghiêm Trang và các tướng dẫn tàn quân chạy về phía đông. Quách Tử Nghi dẫn quân truy sát.

An Khánh Tự được tin cánh quân chủ lực đi cứu Trường An bị đánh bại rất sợ hãi, dẫn 300 kỵ binh và 1000 bộ binh bỏ Lạc Dương chạy về Nghiệp Thành[54]. Ngày 18 tháng 10, quân Đường thừa thắng tiến vào Lạc Dương.

Hai kinh trở lại với nhà Đường.